037.368.6093

Tang ký sinh cây thuốc quý điều trị đau dây thần kinh tọa

Tang ký sinh là thân, cành mang lá của cây tầm gửi trên cây dâu tằm (Loranthus paraciticus (L.) Merr.). Theo bác sĩ Trần Bảo Quốc, tang ký sinh vị đắng, tính bình; vào can thận có tác dụng bổ can thận, trừ phong thấp, cường kiện cân cốt, an thai; trị đau nhức xương khớp do phong thấp tý, đau mỏi vùng cột sống thắt lưng, đau do cứng khớp thoái hóa khớp, viêm xương khớp, tăng huyết áp, động thai dọa sẩy thai… Liều dùng, cách dùng: 9-15g khô, 30-60g tươi bằng cách nấu, sắc, ngâm… Sau đây là một số bài thuốc có tang ký sinh.

Tang ký sinh | Dược Liệu Quý Quảng Nam - Nấm Lim Xanh Quảng Nam

Bài thuốc “Độc hoạt tang ký sinh” để điều trị bệnh lý Đau dây thần kinh tọa. Bài này có tác dụng: Bình can, bổ thận, khu phong tán hàn, trừ thấp, bổ khí hành huyết. Do đó Đông y dùng để điều trị chứng phong hàn và phong thấp. Nhiều thế hệ thầy thuốc đông y đã dùng bài thuốc này để điều trị có kết quả tốt cho nhiều bệnh nhân. Bài Độc hoạt tang ký sinh của danh y Tôn Tư Mạo đăng trong cuốn “Bị cấp thiên kim yếu phương” có 15 vị thuốc, và dùng liều lượng để phối ngũ như sau:

Độc hoạt              8 gam,                             Đương qui      12 gam,                               Ngưu tất        8 gam,

Tang ký sinh        12 gam,                          Bạch thược   12 gam,                                 Nhân sâm     4 gam, 

Tần giao              12 gam,                            Xuyên khung  6 gam,                                  Phục linh      12 gam,

Phòng phong      8 gam,                             Sinh địa         12 gam,                                  Nhục quế      4 gam, 

Tế tân                  4 gam,                               Đỗ trọng        12 gam,                                 Cam thảo      4 gam.

 

Tác dụng của các vị thuốc

Độc hoạt: Vị cay, tính ôn vào kinh can và kinh thận, có tác dụng trừ phong tà, táo hàn thấp. Trị các chứng phong hàn thấp, làm đau nhức lưng, gối, tê mỏi.

Tang ký sinh (tầm gửi cây dâu): Vị đắng tính bình vào hai kinh can và thận, có tác dụng bổ can thận, làm mạnh gân cốt, ngoài ra, còn có tác dụng an thai và xuống sữa, trị các chứng đau nhức mỏi trong cơ thể.

Tần giao: Vị đắng tính bình vào bốn kinh can, đởm, vị và đại tràng, có tác dụng trừ phong thấp, điều hòa khí huyết, thanh nhiệt lợi tiểu. Điều trị các chứng phong tê thấp, tay chân bị co rút biến dạng.

Phòng phong: Vị cay ngọt, tính ôn, vào năm kinh Can, phế, tỳ vị, bàng quang, có tác dụng phát hãn, giải biểu, trừ phong thấp, trị đau các khớp, đau nhức mỏi toàn thân, các chứng tý do hàn thấp, phong tà.

Tế tân: Vị cay tính ấm, vào bốn kinh can thận tâm phế, có tác dụng trừ phong tán hàn, thông khiếu hành thủy, giảm đau, trị các chứng đau khắp mình mẩy, đau nhức đầu, đau tức ngực, trị các chứng phong hàn thấp tý. Đặc trị chứng đau nhức chân răng rất tốt.

Đương qui: Vị cay đắng ngọt thơm, tính ấm, vào ba kinh tâm, tỳ, can, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, nhuận táo, hoạt tràng, trị các chứng huyết hư đau tê nhức, bổ khí để sinh cơ, đại tiện táo bón.

Bạch thược (tẩm giấm sao): Vị chua đắng, tính hơi hàn, vào phần huyết của kinh can, có tác dụng tả can hỏa, tán ác huyết (huyết có triệu chứng nhiễm trùng), trị đau nhức mỏi.

Xuyên khung: Vị cay tính ôn vào ba kinh Tâm bào, can, đởm (túi mật) có tác dụng hoạt huyết hành khí khu phong giảm đau, trị các chứng: Phong thấp sưng đau các khớp, hành huyết tán ứ, đau đầu chóng mặt.

Sinh địa: Vị ngọt đắng, tính mát, vào ba kinh tâm can thận có tác dụng bổ chân âm, lương huyết, thông huyết mạch, bồi bổ ngũ tạng, tăng khí lực làm sáng mắt, trị các chứng huyết ứ do tổn thương tân dịch.

Đỗ trọng: Vị ngọt hơi cay tính ấm vào hai kinh can và thận, có tác dụng bổ can thận, cường gân cốt, trị các chứng đau lưng, đau đầu gối, đi lại khó khăn.

Ngưu tất (tẩm rượu sao): Vị đắng chua tính bình, vào hai kinh can và thận có tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, trị chứng đau hai đầu gối, đi lại khó khăn.

Nhân sâm: Vị ngọt hơi đắng, tính hàn (nếu sâm cao ly thì tính ôn, nếu sâm cát lâm Trung Quốc vì tính hàn nên phải sao với nước gừng để giảm tính hàn) vào 12 kinh mạch của các tạng phủ, có tác dụng bổ đại nguyên khí.

Phục linh (bạch linh): Vị ngọt nhạt, tính bình vào 5 kinh Tâm, phế, thận, tỳ, vị, có tác dụng làm cường tráng cơ thể nhuận táo bổ tỳ, ích khí sinh tân dịch, trị các chứng đau do khí nghịch và các chứng lâm (nước tiểu đục).

Nhục quế: Vị ngọt cay, tính đại nhiệt, vào hai kinh Can và thận, có tác dụng bổ chân hỏa, trợ dương, khu hàn, giảm đau, trị các chứng mệnh môn hỏa suy yếu, tay chân lạnh.

Cam thảo: Vị ngọt tính bình vào 12 kinh lạc, có tác dụng bổ tỳ nhuận phế, ích tinh, điều hòa các vị thuốc, làm tỳ vị mạnh lên để hấp thụ các vị thuốc khác.

Trên đây là tác dụng của từng vị thuốc nhưng trong một bài thuốc đông y, ngoài ý nghĩa của Quân thần, tá, sứ, việc phối hợp các vị thuốc để làm cho Quân thần tá sứ mạnh lên là hết sức quan trọng. Trong bài Độc hoạt tang ký sinh: Độc hoạt, tế tân, phòng phong, tần giao phối hợp với nhau để có đủ sức mạnh khu phong trừ thấp. Tang ký sinh, ngưu tất, đỗ trọng phối hợp với nhau để nâng cao tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, cơ bắp. Nhân sâm, phục linh, cam thảo phối hợp với nhau để bổ đại nguyên khí, tăng cường chính khí, tiêu diệt tà khí. Đương qui, bạch thược, xuyên khung phối hợp với nhau để dưỡng huyết, điều hòa doanh huyết, bổ can thận, ích khí huyết. Nhục quế có tác dụng ôn tán hàn tà, thông lợi huyết mạch, có tác dụng tuyên tý chỉ thống, giảm đau. Toàn bộ bài thuốc có tác dụng ích bổ can thận, bổ khí huyết, khu phong, tán hàn, trừ thấp, thông kinh hoạt lạc trị đau các khớp và đau khắp cơ thể của người cao tuổi và người ở độ tuổi trung niên, kể cả nam và nữ. Các thế hệ thầy thuốc đông y sau này, qua kinh nghiệm lâm sàng của bản thân gia giảm thêm một số vị thuốc vào bài độc hoạt tang ký sinh để điều trị cho bệnh nhân đau cơ xương khớp và xem đây là bài thuốc gia

Nguồn gốc và ý nghĩa của bài thuốc

Ngày xưa, các Hoàng đế Trung Hoa do ăn uống nhiều chất bổ dưỡng, ít vận động nên thường đau, nhức mỏi, khó chịu, cá biệt có người đau tê cả hai chân, đi lại khó khăn. Hoàng đế yêu cầu các quan ngự y đệ trình bài thuốc. Hàng trăm bài thuốc của các quan ngự y đã được đệ trình lên Hoàng đế. Riêng chỉ có danh y Tôn Tư Mạo đệ trình lên một bài thuốc rất đơn giản. Đó là bài thập toàn đại bổ gia giảm, kết hợp với cao xương dê và mật ong, làm viên hoàn dâng lên vua.

Ông giải thích rằng: Bài Thập toàn đại bổ, bỏ bạch truật, hoàng kỳ, gia nhục quế, đỗ trọng, độc hoạt, ngưu tất, tang ký sinh tần giao, tế tân, có tác dụng trị chứng đau nhức khắp cơ thể, tê mỏi hai chân của Hoàng đế. Đó chính là bài “Độc hoạt tang ký sinh” của Tôn Tư Mạo (Theo Thành đô phương tễ học). Ông cho rằng: Con dê hàng ngày ăn hàng trăm thứ lá, con ong hàng ngày hút mật hàng trăm loại hoa, đó là những bài thuốc mà con người không thể tổng hợp được để có thể điều trị cho nhiều chứng bệnh, cho nên dùng bài thuốc trên phối hợp với cao xương dê, quyện với mật ong để điều trị bệnh cho Hoàng đế. Quả nhiên sau một thời gian điều trị Hoàng đế lành bệnh. Đó là nguồn gốc sâu xa của bài “Độc hoạt Tang ký sinh” và cách gia giảm của nó mà đến nay các thế hệ thầy thuốc đông y vẫn đang áp dụng để điều trị cho bệnh nhân mắc chứng đau cơ xương khớp (phong tê thấp).

 

Món ăn thuốc có tang ký sinh:

Rượu bổ tang ký sinh – tang thầm: tang ký sinh 100g, quả dâu chín 200g, rượu 500ml. Tang ký sinh thái mỏng, tất cả ngâm trong rượu, để khoảng 1 tháng là được. Mỗi ngày uống 20ml. Trị phong thấp, đau lưng, đau nhức xương khớp.

Thận lợn hầm tang ký sinh: tang ký sinh 50g, thận lợn 1 cái. Tang ký sinh nấu lấy nước, thận lợn rửa sạch thái mỏng, nấu với nước tang ký sinh, cho thêm gia vị ăn. Dùng tốt cho người thận hư, đau mỏi cột sống thắt lưng, hai chân.

Lươn hầm tang ký sinh: tang ký sinh 60g, lươn 1-2 con. Tang ký sinh rửa sạch, lươn làm sạch mổ bỏ ruột, thêm gia vị hầm nhừ. Thích hợp với người đau cột sống thắt lưng do cơ thể suy nhược.

Tang ký sinh mộc qua: tang ký sinh 30g, mộc qua tươi 50g, thịt dê 200g. Mộc qua thái lát, nấu cùng với tang ký sinh lấy nước, bỏ bã; nấu với thịt dê, thêm gia vị thích hợp, chia ăn 2 lần trong ngày. Đợt dùng 15-20 ngày. Dùng tốt cho người đau lưng, yếu chân, yếu mỏi do di chứng chấn thương trật đả…

Kiêng kỵ: Người mắt bị kéo màng không được uống.

Theo Bác Sĩ Trần Bảo Quốc.