037.368.6093

Những thói quen tàn phá lá gan của bạn

Gan – cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể được ví như nhà máy thải lọc quan trọng và trung tâm điều hòa, chuyển hóa các chất. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc các bệnh lý về gan ở Việt Nam có xu hướng ngày càng gia tăng. Vì thế, việc chủ động bảo vệ gan cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Dưới đây là những thói quen tàn phá lá gan của bạn cần lưu ý.

Ăn uống thiếu lành mạnh

Thói quen ăn uống thiếu khoa học là một trong những tác nhân chính gây ra các vấn đề về gan sớm ở người trẻ. Bỏ bữa ăn sáng, ăn khuya quá muộn hoặc quá nhiều thực phẩm đóng hộp hay các món ăn nhanh nhiều dầu mỡ, gia vị thường chứa nhiều phụ gia và chất bảo quản, buộc gan phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ các chất độc hại, việc ăn nhiều thịt, đồ ăn nhiều dầu mỡ, ăn đồ ăn ngọt, ăn ít rau xanh hoa quả tươi, ăn quá mặn… có thể gây lên tình trạng gan nhiễm mỡ. Ngoài ra việc ăn muộn, ăn khuya quá nhều cũng gây tổn hại đến gan.

Uống ít nước, nhịn đi tiểu

Cơ chế bài thải chất độc của cơ thể đều thông qua gan và thận. Để duy trì chức năng này, gan, thận cần được cung cấp đủ nước. Nếu bạn lười uống nước, gan không thể thải độc, hơn nữa còn bị nhiễm độc bởi những cặn bã không được loại ra ngoài. Từ đó, gan sẽ suy yếu dần. Ngoài ra, nhịn tiểu cũng gây ra những tác hại tương tự bởi khi chất thải không được đưa ra ngoài, các độc tố sẽ quay trở lại và gây áp lực lớn, khiến gan phải làm việc cật lực hơn.

Ngủ không đủ giấc

Thức quá khuya khiến ảnh hưởng đến quá trình bài tiết chất độc của gan, khiến gan không thải được chất độc ra ngoài. Khoảng thời gian từ 11 giờ đêm đến 2 giờ sáng là lúc gan tiến hành thải độc cho cơ thể. Quá trình này chỉ có thể diễn ra hiệu quả khi cơ thể chúng ta ở trạng thái nghỉ ngơi với giấc ngủ sâu. Việc thường xuyên thức khuya không chỉ khiến gan phải làm việc vất vả hơn mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tự phục hồi của cơ thể vào ban đêm.

Uống nhiều rượu bia, nước ngọt có ga

Khoảng hơn 90% rượu, bia khi vào cơ thể là gan phải chuyển hóa. Khi gan tiếp nhận chất độc từ rượu, bia sẽ ảnh hưởng ngay đến các hoạt động khác của cơ thể. Gan chỉ có khả năng xử lý một phần chất cồn nhất định. Nếu bạn uống quá nhiều rượu, khiến gan phải làm việc quá mức và bị nhiễm độc, suy yếu dần.

Lạm dụng thuốc bổ

Thói quen tự ý mua và lạm dụng các loại thực phẩm chức năng, thuốc tự điều trị có thể gây ra tình trạng tổn thương hoặc nhiễm độc gan. Do đó, nếu thấy cơ thể xuất hiện các biểu hiện như vàng da, chán ăn, suy nhược… trong quá trình sử dụng, bạn nên ngừng thuốc và đến thăm khám, xét nghiệm tại các cơ sở y tế sớm nhất.

Bí quyết để gan luôn khỏe mạnh

– Tập thể dục, tăng cường sức khỏe, kiểm soát trọng lượng cơ thể.

– Khám và kiểm tra định kỳ đặc biệt ở những người có yếu tố nguy cơ (nhiễm viêm gan siêu vi B, C, uống nhiều rượu bia, gia đình có người mắc bệnh gan, béo phì).

– Chế độ dinh dưỡng phù hợp: ít béo, tránh dư thừa chất đạm, chất ngọt, không nên ăn quá nhiều thức ăn chế biến theo kiểu chiên rán, nướng cháy khét, sử dụng nhiều gia vị, hóa chất…

– Ăn nhiều ngũ cốc, rau xanh, trái cây tươi có chứa chất xơ.

– Tránh xa các chất kích thích có chứa nồng độ cồn cao, nhất là rượu bia. Rượu bia chính là “kẻ thù” làm suy hại các chức năng gan.

– Chủng ngừa viêm gan siêu vi B nếu không có chống chỉ định, chủng ngừa giúp tránh nguy cơ nhiễm bệnh 90% cho trẻ em và người lớn.