037.368.6093

Bệnh chốc lở: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị, phòng ngừa bệnh

Bệnh chốc là bệnh nhiễm trùng ngoài da thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh do khuẩn tụ cầu và liên cầu gây ra trong điều kiện môi trường xung quanh bị ô nhiễm, thay đổi thời tiết đột ngột, vệ sinh cá nhân kém.

1. Bệnh chốc lở là gì?

Chốc lở còn được gọi là bệnh Impetigo, hay còn gọi là chốc lây. Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm khuẩn liên cầu, tụ cầu trực tiếp tại vùng da lành hoặc do nhiễm trùng các vết trầy xước trên da như bị côn trùng cắn, xây xước do ngứa gãi…

 

Chốc thường xảy ra dưới 3 dạng:

  • Chốc lở không có bọng nước: Là chứng chốc lở phổ biến nhất, gây nên các vết lở và những bọng nước nhỏ.
  • Chốc lở có bọng nước: Là biến chứng nặng của chốc lở ngoài da, có thể xuất hiện các bọng nước lớn tựa như bị bỏng, phía trong có mủ và có thể vỡ bất cứ khi nào.
  • Chốc loét: Đây là tình trạng nặng nhất của bệnh chốc.

Chốc lở là nhiễm trùng rất dễ lây, gây đau và làm xuất hiện các vết loét trên da. Trong một số trường hợp, tình trạng chốc lở thường đặc biệt xuất hiện xung quanh mũi, miệng, trên bàn tay và bàn chân.

Các dấu hiệu và triệu chứng khi bị chốc lở thông thường là:

  • Chân bị lở loét đỏ và mụn nước nhanh chóng bị vỡ, chảy ra dịch trong một vài ngày và sau đó tạo thành một lớp vỏ màu vàng nâu phía trên;
  • Vùng da ở mũi bị lở loét hoặc các khu vực khác;
  • Ngứa và đau nhức;
  • Trong trường hợp nặng, sang thương trở thành vết loét sâu;
  • Sung hạch bạch huyết gần vị trí nhiễm trùng.

2. Nguyên nhân gây chốc lở

Nguyên nhân chính gây ra bệnh chốc lở ở trẻ em là do khuẩn liên cầu hoặc tụ cầu vàng, cụ thể:

  • Đối với dạng chốc không có bọng nước thì có thể là do khuẩn liên cầu tan huyết beta nhóm A, tụ cầu hoặc liên cầu xâm nhập vào các vết thương nhỏ trên da của trẻ và ở trong đó lại có các protein giúp vi khuẩn gắn chặt vào tổ chức hình thành nên bệnh.
  • Đối với dạng chốc bọng nước thì thường là do độc tố bong da của tụ cầu tác động vào cầu nối desmoglein 1 của các tế bào gai ở thượng bì, khiến cho chúng bị bóc tách lớp nông của thượng bì và tạo thành hình giống như vảy lá.
  • Dạng chốc loét thì thường do khuẩn liên cầu gây ra hoặc có thể kết hợp với tụ cầu vàng để hình thành bệnh, thường xảy ra ở người bệnh có cơ địa suy giảm miễn dịch, những người mắc bệnh mạn tính và người già.

Chốc lở ngoài da ở trẻ thường xảy ra ở bé trai nhiều hơn bé gái, đôi khi xảy ra ở những người lớn có hệ miễn dịch kém. Bệnh thường tái phát vào mùa hè trong điều kiện sống thiếu vệ sinh, cư dân đông đúc.

3. Các biến chứng của chốc lở ngoài da ở trẻ

Chốc lở ngoài da ở trẻ là căn bệnh tưởng chừng như đơn giản nhưng nếu không được điều trị đúng phương pháp và kịp thời thì sẽ tiến triển nhanh và có nguy cơ biến chứng thành:

  • Viêm quầng;
  • Viêm mô tế bào;
  • Hồng ban đa dạng;
  • Hội chứng bong vảy da do tụ cầu;
  • Nhiễm trùng máu;
  • Mề đay;
  • Sốt tinh hồng nhiệt;
  • Vảy nến thể giọt.

4. Điều trị bệnh chốc lở

Chăm sóc tại nhà

Chốc lở là một bệnh lý có khả năng lây nhiễm rất cao. Do đó, việc chăm sóc và tự điều trị tại nhà là hết sức nguy hiểm do có thể lây lan cho cả tập thể ở chung, đặc biệt là lây bệnh cho trẻ em. Do đó, khi mắc bệnh chốc, người bệnh nên đi khám và chữa bệnh tại các cơ sở y tế uy tín.

Một số biện pháp người bệnh có thể áp dụng tại nhà bên cạnh việc điều trị tại bệnh viện như:

  • Mặc quần áo thoải mái, thoáng mát, dễ chịu.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để diệt vi khuẩn có hại trên da.
  • Vệ sinh vùng chốc lở mỗi ngày bằng nước ấm.
  • Giặt quần áo riêng đối với người bị bệnh chốc.
  • Giữ vệ sinh không gian sống xung quanh.

Dùng thuốc điều trị

Bệnh chốc lở là bệnh ngoài da nhưng tác hại thì rất nghiêm trọng, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có được phương pháp điều trị tốt nhất. Sau đây là những phương thức điều trị thường được áp dụng:

  • Dùng thuốc bôi ngoài da: Sử dụng những loại thuốc có tính chất sát khuẩn và giúp làm khô vết thương như NaCl 0.9% hay thuốc tím xanh methylen, dizigone bạc… dùng để vệ sinh vết thương, có thể dùng các loại thuốc kháng sinh dạng mỡ bôi tại chỗ (acid fusidic 2%, mupirocin 2%) hoặc kem để bôi ngoài da.
  • Khi thương tổn lan rộng, nặng, dai dẳng và có nguy cơ biến chứng viêm cầu thận cấp thì sử dụng kháng sinh để điều trị.
  • Dùng thuốc kháng Histamin nếu xuất hiện tình trạng ngứa.

Việc điều trị chốc lở muốn đạt được hiệu quả tối ưu cần phải có sự tuân thủ và hợp tác của người bệnh. Do đó, tuyệt đối không được sử dụng thuốc một cách bừa bãi, điều này không chỉ không mang lại tác dụng điều trị mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng chốc lở.